Trang Web Hướng Dương Txđ

Trở Về Trang Chính

Hình Ảnh Làng Dân Chài trên Biển Hồ, Siem Reap, Căm Bốt
Hình của Hướng Dương txđ


Một đầu con sông Tonle Sap đưa tới dòng sông Cửu Long còn đầu kia đưa tới một hồ nước ngọt rộng mênh mông cũng có tên là Tonle Sap. Vì nó quá lớn nên người Việt sinh sống nơi đây gọi nó là Biển Hồ. Nhân dịp đi Siem Reap nên chúng tôi được đi thăm làng chài ở Tonle Sap. Khi đi hết con sông thì bỗng nhiên chúng tôi thấy trước mắt một biển nước với những lưới chăng giữa hồ. Trời hơi mây mù, lúc có ánh nắng mặt trời, lúc thì trời có mây u ám, mây đổ tới bao phủ cả vòm trời, rồi lại bị gió thổi bay đi, trời lại trong xanh. Có cả đôi giọt mưa rớt xuống, có lẽ vì vậy mà không thấy có đò chở những đoàn du khách khác. Tonlé Sap tiếng Miên có nghĩa là con sông lớn (Tonle) nước ngọt, không mặn (sap) nhưng hồ lại thường được dịch sang ngoại ngữ là Hồ Lớn (great Lake – grand Lac). Diện tích của Biển hồ tăng giảm tuỳ theo mùa. Đến cuối mùa nắng mức nước xuống hổ chỉ còn rộng 2500 km2, đến mùa mưa lũ (cuối tháng 9 đầu tháng 10) nước đổ vào hồ, diện tích hồ tăng lên tới 16,000 km2. Biển Hồ đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cập thực phẩm cho người dân của cả xứ Căm Bốt. nó có một ảnh hưởng nghiêm ngặt tới đời sống của một số lớn người nông dân Khmer.
Đò chạy tiếp chỉ chừng vài phút thì bắt đầu thấy lác đác những nhà chòi nổi trên mặt nước, rồi sau đó là những cụm nhà san sát bên nhau, căn thì sạch sẽ sáng sủa, căn thì thấy rã rời nghèo nàn xấu xí… Những nhà chòi nghèo nàn mái lá tường cũng lá hay căng vải cũ kỹ rách nát nhỏ bé hiện ra khi thì lẻ loi cô đơn trên mặt nước khi thì nép bên những căn nhà nổi to lớn hơn tường gỗ ván mái tôn trông sạch sẽ tươm tất hơn. Thế mới biết trong làng chài cũng có kẻ giầu người nghèo...

Tôi hỏi anh chàng dẫn đường có người Việt Nam sinh sống nơi đây không thì anh ta trả lời không, chỗ này là làng đánh cá của toàn người Miên, người dân Việt Nam sinh sống tụ họp ở một vùng khác của Biển Hồ. Tôi thấy hơi thất vọng vì trong lòng tôi chỉ muốn được gặp một vài đồng hương để hỏi thăm về đời sống của họ. Thảo nào không thấy những ghe bán thức ăn nước uống táp vào mời mọc chúng tôi mua. Nghe nói làng chài của người Việt có cảnh sống khốn khổ của người dân, có những đứa bé gầy gò đen đủi bơi tới bán vé số hay ăn xin… Ở đây không thấy cảnh đó.
Từ lúc tới Biển Hồ người lái đò đã cho thuyền chạy chầm chậm để cho du khách ngắm nhìn cảnh vật xung quanh hay chụp hình, nhưng nói cho ngay cũng chẳng có chổ nào đặc biệt, đâu cũng chỉ thấy một màu nước đục ngầu và những căn nhà nổi lụp xụp không khác gì ở một bờ sông bên quê nhà. Có đặc biệt chăng là một vài căn nhà to lớn hơn hay đẹp đẽ hơn  như căn nhà thờ sơn mầu trắng và xanh lơ trên nóc có chiếc thánh giá hay mấy căn nhà liền nhau, tươm tất có ghi đằng trước là trường học, thấy rõ các lớp học (có một nử sinh chừng tám chín tuổi mặc váy đồng phục đứng trước cửa mới làm tôi để ý) và có một nhà sàn cao dùng làm sân chơi. Đò chạy quá xa nên tôi không thấy rõ sinh hoạt của người dân trong những căn nhà nhưng tôi thấy rõ một số căn là những cửa tiệm buôn bán vì thấy hàng hóa trưng bầy cũng như những tủ này nọ. Tương tự cũng có những quán nước, quán ăn cho dân địa phương. Đặc biệt là có một căn nhà lớn nhất trong làng được dùng làm nơi dừng chân của du khách: Đò ghé vào đó để du khách ngồi nghỉ đôi phút ngồi uống nước, ăn miếng bánh, ngắm cảnh hay tìm mua một món quà kỷ niệm nhỏ...

';
 
Trở lại Đầu Trang