Trang Web Hướng Dương Txđ

Trở Về Trang Chính

Tại sao kế hoạch Kích Thích Kinh Tế của Việt Nam khó thành công?
Bài của Hướng Dương txđ



Kinh tế của Viêt nam dựa trên những món hàng xuất cảng chủ yếu sang Mỹ và Âu Châu. Thế nhưng trong giai đọan kinh tế suy thoái này, cả Mỹ lẫn những nước Âu Châu đều giảm nhập cảng hàng từ Việt Nam, gây ra một tình trạng khó khăn cho những nhà máy sản xuất vì không có đơn đặt hàng thì sản xuất hàng ra để làm gì?

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thông báo kế hoạch của ông là sẽ dùng 1 tỷ mỹ kim để kích thích sản xuất đang ngưng đọng trong nước. Nhưng có ba vấn đề được đặt ra là 1. Lấy đâu ra 1 tỷ mỹ kim để thực hiện kế hoach này? 2. Kích thích kinh tế như thế nào để có kết quả tốt? 3. Đường hướng sản xuất phải thay đổi

1. Lấy đâu ra 1 tỷ mỹ kim để thực hiện kế hoach này?
Hà Nội hy vọng mức tăng triển trong năm 2009 sẽ là 6.5% nhưng Cơ Quan Tiền Tệ Quốc Tế thì lại tiên đoán mức này chỉ có thể lên đến 5% mà thôi. Để đạt được mức tăng triển này, Hànội đề ra một kế hoạch kích thích chi tiêu của dân chúng và quyết định giảm thuế để khuyến khích sản xuất, tiếp tục làm ăn. Kế hoạch kích thích kinh tế này định xử dụng 1 tỷ mỹ kim - để so sánh Thái Lan, nước láng giềng sẽ bỏ ra 3.3 tỷ Mỹ kim - nhằm trợ giúp trả tiền lời cho các nhà làm ăn và sẽ dành 25 tỷ mỹ kim qua sự quản lý của Ngân hàng Trung Ương để cho những cơ sở thương mại cở nhỏ và trung vay nhẹ lãi. Đồng thời nhà nước cũng đang hoạch định những biện pháp kinh tế khác, đặc biệt là biện pháp giảm thuế nhập cảng, thuế sản xuất, và thuế tiêu dùng. Các cơ sở nhỏ và cỡ trung sẽ được giảm 30% thuế sản xuất. Quan thuế cũng được giảm, đồng thời các nhà nhập cảng có thể hoãn trả thuế cho đến tháng 9 năm 2009. Các ngân hàng cũng được bớt điều kiện dự trữ tiền mặt để có thể cho vay nhiều hơn đồng thời nhà nước cũng đứng ra tài trợ nhiều kế hoạch kinh tế hơn.

Những biện pháp trên đây được các quan sát viên quốc tế đánh giá cao nhưng họ đặt câu hỏi là  lấy tiền ở đâu ra để tài trợ vì Việt Nam không có một số dự trữ ngoại tệ lớn như những nước khác trong vùng và việc gây quỹ nhà nước bằng công khố phiếu khó thực hiện được vì người dân không muốn bỏ tiền ra trong lúc có tình trạng nguy ngập này, họ chỉ giữ vàng và ngoại tệ đề phòng bất trắc. Về mặt tài chánh Việt Nam lại đang gặp gay go trong trong cán cân xuất nhập cảng. Mới đây, Việt Nam đã rút chỉ tiêu nhập cảng cho năm 2009 xuống còn 84 tỷ mỹ kim từ con số đưa ra trước đây là 96.6 tỷ nhắm làm giảm bớt được từ 1 cho đến 2 tỷ mỹ kim mức thiếu hụt trong cán cân xuất nhập cảng. Giảm được mức thiếu hụt này sẽ làm cho việc trả nợ bớt căng thẳng và giúp Việt Nam bớt phải hạ giá đồng tiền của mình. Để có thêm tiền, chính phủ mới đây đã tăng quan thuế nhập cảng dầu xăng và các phụ sản thêm lên 40%, lý do là vì giá dầu xăng xuống trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên vì giá hàng hóa máy móc nguyên liệu trên thị thường quốc tế nói chung giảm từ 30 đến 40%, số lượng hàng nhập cảng vào Việt nam vẫn có thể tăng trong năm tới.

2. Kích thích kinh tế như thế nào mới có kết quả?
Không giống những lần kính tế suy thoái theo chu kỳ trước đây, khủng hoảng lần này đòi hỏi các nước Nam Châu Á phải nhanh chóng thay đổi phương hướng làm kinh tế, chú tâm vào việc sản xuất cho nội địa chứ không còn thể chỉ trông mong vào những thị trường ngoài nước nữa . Thứ trưởng thương mãi Hoa Kỳ lần thăm viếng vừa qua đã nhiều lần nói lên sự thể này. Ông cảnh báo rằng Việt Nam không thể trông mong mãi vào việc xuất cảng hàng bán sang Mỹ mà phải nhắm vào thị trượng tiêu thụ nội địa, sản xuất những thứ hàng hoá mà nhân dân Việt Nam đang cần. Cho đến bây giờ tất cả những thứ Việt Nam làm ra đều nhằm vào nhu cầu của các nước Tây Phương, mà khi nhu cầu này sút giảm thì sản xuất sẽ gặp trở ngại, hàng hoá làm ra sẽ không xuất cảng được, sản xuất phải ngưng, nhà máy phải nghỉ làm việc, công nhân sẽ bị sa thải.

Vấn đề của Việt Nam là đã không nhận thức được một biến chuyển cơ bản: các thị trường Mỹ và Âu Châu đang bắt đầu khép đóng từ từ, nhu cầu nhập cảng của các nước Tây phương sẽ không còn lớn như trước, mô hình thông thương quốc tế sẽ đổi khác, Việt Nam không thể còn đặt trọng tâm vào xuất cảng, sản xuất lấy công làm lời nữa mà phải tính chuyện làm ăn lớn, tự dựa vào chính mình mà phát triển nền kinh tế nước nhà, thoả mãn nhu cầu của chính người dân trong nước, đi theo con đường tự lực mà phát triển, không thể chỉ trong mong bọn đầu tư ngoại quốc là bọn mang tiền vào để lợi dụng sức lao động của dân ta.

Cho đến bây giờ, những nhà làm kinh tế trong nước vẫn cứ hy vọng rằng trong vòng nửa năm nữa thì tình hình thị trường trên thế giới sẽ lại sáng xủa, Hoa Kỳ và các nước Âu Châu sẽ lại có nhu cầu nhập cảng và Việt Nam sẽ lại có cơ sản xuất để xuất cảng như cũ. Cho nên thũ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trương dùng tiền một tỷ đô la để giúp kỹ nghệ xuất cảng. Giới làm ăn ở Việt Nam cũng suy nghĩ theo tư tưởng đó và đang hy vọng rằng thị trường Tây Phương sẽ trở lại sớm như xưa để họ lại hốt bạc và cái làm cho họ lo sợ nhất là sự phục hồi kinh tế của Mỹ và Âu Châu không sớm xẩy ra và sự chờ đợi quá lâu sẽ làm cho họ phá sản. Đó là sai lầm nguy hiểm, bắt nguồn từ việc chưa nhận thức ra sự biến chuyển cơ cấu của thị trường trên thế giới.

Hơn nữa, mục đích của kế hoạch khích thích kinh tế là để tạo cơ hội cho những cơ sở sản xuất tiếp tục làm việc, để gây sinh hoạt kinh tế, bình thường hoá nển kinh tế đang bị trì trệ. Nhưng với tình hình tài chính bi đát như hiện nay để hấp thu số tiền của dân, các ngân hàng phải tiếp tục nâng phân lời tiết kiệm và vì lo sợ người dân ngưng bớt chi tiêu để bỏ tiền vào ngân hàng để dành. Trong khi xuất cảng xa sút thì nhu cầu nội địa vẫn còn và sẽ gia tăng từ từ. Mà khốn nỗi một phần số tiền mà nhà nước ban phát theo kế hoạch kích thích kinh tế, thay vì được xử dụng vào việc làm kinh tế thì lại bị đem cất giấu đi, làm cho kế hoạch kích thích bớt hiệu quả. Với tình trạng tham nhũng thối nát hiện này, đây là một vấn đề đáng quan tâm.

3. Đường hướng sản xuất phải thay đổi
Nước ta đã đi con đường phát triển kinh tế sai lầm từ ban đầu. Trước kia thì làm kinh tế theo kiểu Mác xít, cái gì cũng chung, cái gì cũng là của nhà nước, là quốc doanh. Bản chất của Cộng sản là thế: đồng chí, sống chung, làm chung, của chung;  Vì không có của riêng cho nên chẳng ai muốn làm, không có sự khuyến khích để sản xuất tốt hơn và nhiều hơn, sáng kiến bị hủy diệt. Vì thế mà nhà nước phải ép làm, không làm thì sẽ bị tội, bị kiểm điểm, bị trừng phạt, Từ đó mà con người phải giả dối, gian manh, bịp bợm để không làm mà không bi tội, không làm mà vẫn có mà ăn, không làm mà vẫn được vinh danh anh hùng lao động, vẫn được ăn nhiều hơn người khác.

Từ khi chuyển qua lối phát triển kinh tế thị trường - kèm theo cái đuôi nghe chối tai “theo phương hướng xã hội chủ nghĩa”- từ từ mọi người được làm ăn tự do, nhà nước lại còn mở cửa cho bọn tư bản lỏi – Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia,  Đài loan, Đại Hàn, Nhật Bản, Ấn Độ - vào làm ăn, chúng chỉ vào để bóc lột sức lao động, hút máu nhân dân ta, vào để trục lợi, để ăn cướp - đặc biệt là đàn anh Trung Quốc vĩ đại là kẻ cướp ngày cướp đêm. Nghe theo lời khuyến dụ của bọn tư bản lỏi, nhà nước ta đặt trọng tâm vào việc sản xuất hàng để xuất cảng. Sản xuất hàng xuất cảng thì chỉ có lợi cho thứ nhất bọn tư bản lỏi là bọn đã mang tiền vào đầu tư, thứ hai là bọn cán bộ cao cấp trong cơ quan cai trị, bọn này thông đồng với bọn tư bản lỏi ăn chia ăn chác, và thứ ba là giai cấp biết mánh lới chạy theo bọn cai quyền để làm ăn trục lợi, phục vụ bọn tư bản lỏi và bọn quan quyền giầu có nay có tiền ăn xài vun vít, bọn này ngày càng có nhiều nhu cầu, nhiều ham muốn vì lòng tham vô đáy vốn dĩ của loài sâu bọ làm người. Cái lối xây dựng và phát triển kinh tế này không tí ti nào phục vụ đất nước, phục vụ dân tộc. Nó mang tính chất ích kỷ, chỉ phục vụ một thiểu số, nó tạo nên bất công trong xã hội, tạo nên đấu tranh giai cấp, và sẽ là mầm mống cho một cuộc cách mạng thực sự để công cuộc xây dựng đất nước và dân tộc được thực hiện đúng đắn.

Nay đã đến lúc phải thấy rằng xây dựng kinh tế trên sản xuất để xuất cảng là không xây dựng kinh tế trên một nền móng vững chắc. Đến thời kỳ kinh tế thế giới gặp khó khăn như hiện nay, xuất cảng không còn là một bảo đảm mang lại lợi tức cho những nhà sản xuất nữa, nhất là khi chính những nước nhận những món hàng xuất cảng đã tuyên bố rõ ràng rằng tình thế đã thay đổi, đường hướng thông thương quốc tế sẽ khắc, không thể trông chờ vào thị rường của những nước tiến bộ phương Tây nữa, thì tất yếu là phải chuyển hướng từ sản xuất để xuất cảng sang sản xuất để phục vụ đất nước mình, phục vụ dân mình. Công việc chuyển hướng không phải là dễ dàng. Đất nước ta không cần bàn ghế, quần áo, giầy dép là những món hàng từ trước đến giờ chỉ làm ra để xuất cảng.

Kết luận:
Để đạt được một kết quả lâu dài, kế hoạch kích thích kinh tế phải đi đối với một kế hoạch chuyển hướng sản xuất từ sản xuất để xuất cảng sang sản xuất để tự lực tự cường, để phục vụ thị trường nội địa, phục vụ dân chúng trong nước và từ từ nâng cao mức sống của toàn dân – toàn dân là tất cả mọi người dân chứ không chỉ một số người, một giai cấp. Như vậy nhu cầu của toàn dân sẽ tăng dần và thị trường nội điạ sẽ ngày càng lớn lên. Trong viễn tượng này, sản xuất để xuất cảng sẽ là kết quả của sự tăng triển kinh tế, của một sản xuất vững chắc mà chính Việt nam chủ động. Khi đó Việt Nam sẽ như Nhật Bản, hay Nam Hàn bây giờ, tệ lắm thì cũng như Indonesia.

Hướng Dương txđ
10 Tháng hai năm 2009

 

Trở lại Đầu Trang